1. Chức năng
– Học viện Phụ nữ Việt Nam có chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp, cán bộ làm công tác phụ nữ, cán bộ nữ cho hệ thống chính trị và tham gia đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng nhu cầu xã hội.
– Nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn tham mưu cho Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Hội và phong trào phụ nữ; nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề liên quan đến phụ nữ, công tác phụ nữ, bình đẳng giới và nghiên cứu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn
a) Xác định tầm nhìn, xây dựng chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển Học viện qua từng giai đoạn, kế hoạch hoạt động hàng năm.
b) Triển khai, thực hiện hoạt động đào tạo
– Phát triển các chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng theo mục tiêu xác định; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo.
– Xây dựng kế hoạch giảng dạy, học tập đối với các ngành nghề được phép đào tạo; xây dựng hệ thống chuyển đổi tín chỉ với các cơ sở đào tạo khác. Xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức quá trình đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, tổ chức và quản lý đào tạo…
– Tự đánh giá chất lượng đào tạo và chịu sự kiểm định chất lượng đào tạo của cơ quan có thẩm quyền; xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng của Học viện; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện.
– Lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để đăng ký kiểm định; được quyền khiếu nại, tố cáo và khiếu kiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các quyết định, kết luận, hành vi của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục .
c) Triển khai, thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ
– Tổ chức thực hiện nghiên cứu về công tác Hội, công tác Phụ nữ, bình đảng Giới và nghiên cứu về nội dung, chương trình… nâng cao chất lượng đào tạo
– Xây dựng, thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của Học viện.
– Là đầu mối hoạt động khoa học của cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam; tổ chức thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ Hội các cấp.
– Tham gia tuyển chọn và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao; sử dụng có hiệu quả kinh phí đầu tư phát triển khoa học công nghệ; ký kết, thực hiện hợp đồng khoa học công nghệĐược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của Học viện.
– Xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu về các hoạt động Đào tạo, Khoa học và công nghệ, công chức viên chức, Hợp tác quốc tế của Học viện;
d) Triển khai, thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế
– Hợp tác, liên kết, nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ của Học viện.
– Đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên và người học của Học viện với các tổ chức, cá nhân về giáo dục, văn hóa, , nghiên cứu khoa học.
– Tham gia các tổ chức giáo dục, khoa học, hội nghề nghiệp khu vực và quốc tế.
e) Thực hiện các công tác về tổ chức bộ máy, cán bộ
– Tuyển dụng, quản lý, xây dựng, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, viên chức, người lao động; định kỳ thực hiện đánh giá công chức, viên chức của Học viện.
– Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Học viện; tổ chức cho công chức, viên chức tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với ngành nghề đào tạo và nhu cầu của xã hội.
– Tham gia vào quá trình điều động của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với cán bộ công chức, viên chức.
f) Quản lý người học
– Xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch, biện pháp quản lý giáo dục người học; phối hợp với các cơ quan, tổ chức và gia đình thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện cho người học. Thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành, quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người học.
– Dành kinh phí để thực hiện chính sách xã hội đối với người học được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
g) Thực hiện các công tác liên quan đến tài chính, tài sản của đơn vị
– Được thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính do nhà nước quy định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động.
– Được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất; được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.
– Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật; sử dụng nguồn thu từ hoạt động kinh tế để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của Học viện và chi cho các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.
h) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố nơi cơ sở giáo dục của Học viện đặt trụ sở hoặc có tổ chức hoạt động đào tạo theo quy định.
i) Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; của Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam và của Bộ Giáo dục Đào tạo.