Tham gia chuyến về nguồn là tập thể đảng viên, quần chúng ưu tú của chi bộ 11.

Ninh Bình tự hào là kinh đô đầu tiên của Việt Nam thế kỷ X, nơi khai sinh Nhà nước Đại Cồ Việt, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh-Tiền Lê-Lý với các dấu ấn lịch sử oai hùng của dân tộc, cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng.  Đền vua Đinh – vua Lê là một phần của khu di tích cố đô Hoa Lư, nằm ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Cả hai ngôi đền này đều được xây dựng từ thời nhà Lý và được tái thiết vào thế kỉ thứ XVII dưới triều Hậu Lê. Nhà vua đã ra lệnh sửa chữa đền và cho đến ngày nay, đền vẫn giữ được những chi tiết kiến trúc đẹp từ thời ban đầu. Địa điểm tham quan này mang đến cơ hội khám phá và hiểu sâu về những giá trị lịch sử của triều đại phong kiến Việt Nam trong thế kỷ 10 cho đoàn.

Đoàn đã đến dâng hương tưởng nhớ các vị vua thuộc 2 đền thờ vua Đinh, vua Lê và được hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết về quá trình hình thành, dấu ấn lịch sử của hai công trình văn hoá này.

Theo truyền thuyết, đền vua Đinh và đền vua Lê được xây dựng trên nền cung điện cổ, nhằm tưởng nhớ hai anh hùng dân tộc là Định Bộ Lĩnh và Lê Đại Hành. Hai ngôi đền là biểu tượng của sự tôn kính và biết ơn từ phần lớn người dân Ninh Bình cũng như mọi nơi, dành cho hai vị vua đã có thành tựu vĩ đại trong việc khai mở độc lập dân tộc vào thế kỷ thứ 10.

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng được khởi công xây dựng từ thời nhà Lý theo kiểu “nội công, ngoại quốc,” nằm giữa các tán cây đại thụ, là một kiến trúc độc đáo về nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ nhân dân gian Việt Nam thế kỷ 17 và 19.

Quần thể đền bao gồm các công trình uy nghi như ngọ môn quan, núi giả, hồ sen, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội, cùng ba tòa bái đường, thiêu hương và hậu cung.

Đền thờ Vua Lê Đại Hành Nằm cách đền Vua Ðinh khoảng 500 mét về phía Bắc là Đền thờ Vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn). Ngôi đền cổ vẫn còn giữ nguyên nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo của thế kỷ 17 này thờ Vua Lê Đại Hành, thái hậu Dương Vân Nga, Lê Long Đĩnh. Trong đền cũng thờ bài vị thờ Công chúa Lê Thị Phất Ngân, con của Vua Lê và bài vị tướng Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi.

Đến thăm Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê, mỗi thành viên của đoàn cảm nhận thấy nơi đây không chỉ là biểu tượng cho sự tôn kính, biết ơn của nhân dân đối với hai vị Vua có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thế kỷ thứ 10 mà sâu xa hơn, lớn lao hơn là niềm tự hào về thời kỳ huy hoàng, độc lập, tự chủ của nước Đại Cồ Việt nghìn năm trước. Những dấu vết của vương triều Cố đô Hoa Lư xưa vẫn còn đây, gợi nhớ về dấu son lịch sử hào hùng khi lần đầu tiên sau thời kỳ Bắc thuộc, người Việt có được một quốc gia độc lập, một nhà nước phong kiến tập quyền riêng và quân đội riêng.

Qua lời của hướng dẫn viên, đoàn hiểu hơn về niềm tự hào dân tộc của người Việt thể hiện ở đôi câu đối tại Đền Vua Đinh: “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo/ Hoa Lư đô thị Hán Tràng An,” nghĩa là “Nước Cồ Việt ngang hàng với nhà Tống đời Khai Bảo/ Kinh đô Hoa Lư như Kinh đô Tràng An của nhà Hán.”

Đồng chí Hà Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Học viện, đảng viên chi bộ 11 cho biết: Mỗi chuyến đi về quê hương đều mang lại những cảm xúc đặc biệt đối với người con xa quê như tôi. Tự hào vì quê mình mang dấu ấn lịch sử, là nơi khai mở nền độc lập của dân tộc, tôi càng tự hào thêm khi được góp phần giới thiệu vẻ đẹp văn hoá, truyền thống hào hùng mà thanh lịch của quê hương tới các đồng nghiệp. Tôi hi vọng rằng, chuyến đi về nguồn này sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp trong mỗi thành viên bởi giá trị lịch sử và sự mến khách của người dân quê tôi.

Chia sẻ cảm nhận sau chuyến về nguồn ý nghĩa, đồng chí Nguyễn Đức Toàn – Bí thư Chi bộ 11 cho biết: Mặc dù đã tới thăm Cố đô Hoa lư nhiều lần nhưng với tôi, chuyến đi về nguồn này mang ý nghĩa đặc biệt. Bởi đây không đơn thuần là một chuyến du lịch mà là một hành trình tìm về quá khứ vẻ vang của dân tộc. Chuyến đi đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về một giai đoạn lịch sử anh hùng, độc lập của dân tộc, khiến tôi cảm phục hơn, trân trọng hơn sự lãnh đạo tài ba của các bậc tiền bối trong những ngày đầu gian nan dựng nước. Thấu hiểu hơn những quyết định mang tầm vóc lớn lao đem lại sự bình an, thịnh vượng cho nước nhà. Sau chuyến đi này, chắc hẳn mỗi thành viên của đoàn không chỉ yêu thêm lịch sử hào hùng, nét đẹp văn hoá, kiến trúc nơi đây mà còn có thêm động lực để tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của Học viện và xã hội, xứng đáng với công lao và sự hi sinh của các bậc tiền bối.

Là lần đầu tiên được tham gia hoạt động về nguồn cùng chi bộ 11, quần chúng Ngô Thị Oanh chia sẻ: Càng đi nhiều nơi tôi càng cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp tuyệt vời của quê hương Việt Nam. Ninh Bình không chỉ đẹp bởi núi non trùng điệp, bởi hang động kỹ vĩ mà chúng ta nhìn thấy mà còn mang vẻ đẹp đầy cốt cách của giá trị lịch sử, văn hoá độc đáo và duy nhất. Chuyến đi đã giúp tôi và các thành viên trong đoàn ngược dòng quá khứ để sống lại khí thế hào hùng, mạnh mẽ, hiên ngang của những triều đại độc lập đầu tiên của đất nước.

Chuyến đi về nguồn do chi bộ 11 tổ chức mang những dấu ấn đặc sắc và thú vị. Tạm biệt cố đô, những cánh chim xanh của Học viện Phụ nữ Việt Nam lại trở về để bắt đầu một tuần mới với giảng đường bằng tinh thần trân trọng, biết ơn và nỗ lực hơn nữa để đóng góp sức mình vào hành trình phát triển của Học viện và xã hội.

Bộ phận Truyền thông VWA