Về phía khách mời, hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Bùi Thị An, Chủ tịch hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội, Phó chủ nhiệm Hội đồng kinh tế UBMTTQ Thành phố Hà Nội, Viện trưởng viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; ThS. Nguyễn Thị Kỳ, nguyên Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử của Quốc hội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Dương Kim Anh cho biết: Hội thảo khoa học “Kỹ năng lãnh đạo quản lý” và ra mắt Bộ tài liệu “Kỹ năng lãnh đạo, quản lý dành cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, xã” là một phần của hoạt động Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hội thảo được tổ chức nhằm giúp nâng cao nhận thức về lãnh đạo, quản lý; khơi dậy tiềm năng, khát vọng vươn lên của thanh niên, sinh viên, đặc biệt là thanh niên, sinh viên DTTS và miền núi. Hội thảo cũng tạo ra diễn đàn trao đổi về lãnh đạo, quản lý, về các rào cản giới phụ nữ gặp phải trong lãnh đạo, quản lý.
Đây cũng là một hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (15/11/2022-15/12/2023) với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” và hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới diễn ra hàng năm.
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Bùi Thị An – Viện trưởng viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, đã đưa ra phương hướng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới từ lý luận đến thực tiễn: Kỹ năng lãnh đạo quản lý của nữ phải thể hiện được bình đẳng giới là vấn đề của xã hội (không phải của riêng nữ), phải thuyết phục ban lãnh đạo, vận động thêm các đồng chí có uy tín, quyết liệt, đeo bám đạt mục tiêu từng vụ việc, từng giai đoạn, từng năm, từng nhiệm kỳ. Đặc biệt, phải đưa ra các kiến nghị cụ thể, khả thi và không có liên quan đến quyền lợi của cá nhân mình.
Tham luận tại hội thảo, sinh viên Nguyễn Thị Nguyệt, Đại diện CLB Thanh niên Hành động vì Bình đẳng giới và Phát triển bền vững cho rằng: Ngoài việc luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và với tập thể mà mình lãnh đạo, cần làm việc cùng với sự hợp tác và một thái độ tôn trọng thì cả nữ giới và nam giới đều cần tích cực trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về lãnh đạo, quản lý cũng như kiến thức về bình đẳng giới để vượt qua mọi định kiến, khuôn mẫu mà xã hội đặt ra, nhất là cân bằng giữa kỳ vọng của bản thân, các yếu tố ngoại cảnh và mong muốn, tinh thần, năng lực của những người đồng hành khi đưa ra quyết định quan trọng.
Tại hội thảo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng ra mắt “Bộ tài liệu Kỹ năng lãnh đạo, quản lý dành cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, xã’.
Được thiết kế theo 6 chuyên đề, với các kỹ năng lãnh đạo, quản lý cơ bản do nhóm tác giả là giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam biên soạn, bộ tài liệu “Kỹ năng lãnh đạo, quản lý dành cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, xã” bao gồm tài liệu đầy đủ và tài liệu rút gọn đáp ứng nhu cầu và sự thuận tiện trong sử dụng của cán bộ nữ dân tộc thiểu số, và nhu cầu tham khảo của cán bộ, giảng viên, sinh viên, của những người quan tâm đến vấn đề giới, vấn đề lãnh đạo, quản lý.
Bộ tài liệu tập trung vào các nội dung:
Chuyên đề 1: Khái quát về hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện và cấp xã
Chuyên đề 2: Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin trong lãnh đạo, quản lý
Chuyên đề 3: Quy trình, kỹ năng ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định lãnh đạo, quản lý
Chuyên đề 4: Kỹ năng tuyên truyền, vận động ở cấp huyện và cấp xã
Chuyên đề 5: Kỹ năng xử lý tình huống trong lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện và cấp xã
Chuyên đề 6: Kỹ năng xây dựng, tổ chức thực hiện đề án, dự án, chương trình hành động, kế hoạch công tác ở cấp huyện và cấp xã
Sau khi xây dựng và xuất bản tài liệu đầy đủ, nhóm tác giả đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam giao và thực hiện thành công hơn 10 lớp tập huấn về kỹ năng lãnh đạo quản lý cho cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Cần Thơ, Nghệ An, Quảng Bình, Điện Biên, và Thanh Hoá.
Cán bộ, giảng viên và sinh viên khoa Giới và phát triển
Với phương châm; Cùng chung sức để phát triển mạnh mẽ hơn (Together we are stronger), trong những năm qua Khoa Giới và Phát triển đã tổ chức và chia sẻ nhiều hội thảo về giới, về phụ nữ và phát triển. Sau 8 năm thành lập, Khoa Giới và Phát triển Học viện Phụ nữ Việt Nam đã và đang đào tạo hơn 400 cử nhân Giới và Phát triển, góp phần giải quyết thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên ngành, giúp thu hẹp khoảng cách giới, trong đó có khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Năm học 2024-2025 tới đây Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp tục tuyển sinh 80 chỉ tiêu sinh viên ngành Giới và Phát triển. Giới và Phát triển tiếp tục là ngành học nhân văn đặc thù của Học viện Phụ nữ Việt Nam, là ngành học mới chỉ được đào tạo duy nhất ở Học viện Phụ nữ Việt Nam cho tới nay.