Kính thưa Bà Elisa Fernandez Saenz – Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam,

Thưa đại diện các trường đại học đối tác của Học viện Phụ nữ Việt Nam,

Thưa các nhà khoa học trong nước, các nhà khoa học quốc tế,

Các quý vị đại biểu tham dự Hội thảo trực tiếp và trực tuyến,

Trong những năm qua, thế giới của chúng ta không chỉ đã và đang phải ứng phó với đại dịch Covid 19 mà còn phải tiếp tục hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt cùng với mưa bão kỷ lục, khiến cuộc sống của hàng triệu người dân trở nên điêu đứng và sự ổn định kinh tế của nhiều quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng.

Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường, không còn là vấn đề của một ngành, một lĩnh vực mà là vấn đề của tất cả chúng ta, vấn đề phát triển bền vững. Biến đổi khí hậu tác động đến những yếu tố cơ bản của đời sống con người trên phạm vi toàn cầu như nước, lương thực, năng lượng, sức khỏe và môi trường[1].

Việt Nam được đánh giá là quốc gia hàng đầu dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, chỉ tính riêng trong năm 2020 đã xảy ra rất nhiều hiện tượng thiên tai dị thường, khốc liệt, với 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh/thành; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 tại khu vực Trung Bộ… làm thiệt hại rất nghiêm trọng đến đời sống của người dân thậm chí làm cho rất nhiều người bị thiệt mạng.

Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đến cuộc sống con người là vô cùng lớn nhưng sự định kiến, phân biệt đối xử còn khiến phụ nữ phải chịu ảnh hưởng kép của biến đổi khí hậu. Sự bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực bị tác động bởi biến đổi môi trường, dẫn tới các rào cản đối với sự tham gia và năng lực thích nghi không đồng đều (ADB, 2015). Phụ nữ dễ bị tổn thương, đồng thời lại bị giảm năng lực thích ứng. Theo Cơ quan Liên hợp quốc về phụ nữ, Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm dân cư nghèo khó, mà phụ nữ chiếm đến 70%. Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực và trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, mà lĩnh vực này có tới 65% là phụ nữ[2] và họ chủ yếu tập trung vào canh tác quy mô nhỏ, tự cung tự cấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phụ nữ và nam giới có những vai trò, thế mạnh riêng. Họ cũng có nhu cầu, những mối quan tâm và khả năng riêng. Không thể xem phụ nữ chỉ là nhóm đối tượng ‘phụ’ hoặc ‘thụ động’, phải thừa nhận rằng những đóng góp của họ là đáng kể trong việc xây dựng khả năng ứng phó, giảm nhẹ rủi ro, phục hồi sau thảm hoạ cùng với nam giới. Chính vì thế, cần có các cách tiếp cận khác nhau để tất cả các cá nhân phát triển dựa trên tiềm năng, khát vọng và mối quan tâm của họ, bất kể họ thuộc giới tính nào; tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia vào quá trình ra quyết định, lập kế hoạch và thực thi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ở tất cả các cấp. Sự hiện diện của phụ nữ ở vị trí ra quyết định và hành động bảo vệ khí hậu là rất quan trọng, nhìn từ quan điểm về quyền và chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu. Là đối tượng dễ bị tổn thương song phụ nữ lại có thế mạnh trong thực hiện các biện pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Phụ nữ là người giữ ‘tay hòm chìa khóa’, là người quyết định trong việc tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm năng lượng, nước, nuôi trồng và bảo vệ cây xanh, giảm thiểu sử dụng túi nilon,… Những việc làm nhỏ đó trong mỗi gia đình lại góp phần lớn trong việc giảm phát thải, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bởi thế lồng ghép vấn đề giới vào quá trình xây dựng chính sách, vào các chương trình, kế hoạch về biến đổi khí hậu trở thành một nguyên tắc ở cả cấp quốc gia và quốc tế, của Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam tiên phong trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, luôn quan tâm tới các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ, hội viên phụ nữ về giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội LHPN Việt Nam rất hoan nghênh sự ủng hộ, đồng hành của Cơ quan Liên hợp quốc về phụ nữ, Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) trong việc phối hợp với các cấp Hội, với các đơn vị trực thuộc Hội LHPN Việt Nam triển khai các chương trình, dự án, các hoạt động nhằm phát huy vai trò giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Nhân dịp này, thay mặt cho Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, tôi xin trân trọng cảm ơn tổ chức UN Women, Dự án EmPower “Tăng cường quyền con người và bình đẳng giới trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai  và biến đổi khí hậu” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển SIDA tài trợ, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và các cơ quan liên quan, các nhà khoa học về sự hợp tác chặt chẽ và vô cùng hiệu quả trong thời gian qua với tổ chức Hội LHPNVN nói chung, Học viện Phụ nữ Việt Nam nói riêng, hướng đến mục tiêu bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Kế thừa xuất sắc bề dày hơn 60 truyền thống của Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, trong suốt 9 năm thực hiện đào tạo đại học, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng, có những bước tiến đáng kể trong thời kỳ hội nhập quốc tế, khẳng định uy tín khoa học, sánh vai cùng các cơ sở giáo dục đại học với 11 ngành đào tạo cử nhân và 2 ngành đào tạo thạc sỹ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước nhà. Đã thành thông lệ, hàng năm Học viện Phụ nữ Việt Nam đều tổ chức các diễn đàn học thuật quốc tế để chia sẻ, học hỏi và giao lưu với các nhà khoa học trong và ngoài nước về các chủ đề liên quan đến phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới.

Hội thảo Giới trong Biến đổi khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến để đông đảo các nhà khoa học trong nước, quốc tế có thể tham dự và chia sẻ kết quả nghiên cứu. Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế “Giới trong Biến đổi khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai”. Kính chúc các quý vị đại biểu luôn dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc, thành công và mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác thiện chí, phối hợp chặt chẽ của tất cả quý vị, các nhà khoa học trong nước và quốc tế vì sự nghiệp bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ và phát triển bền vững.

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cám ơn.


[1] IMHEN và UNDP (2015). Dẫn theo Trần Thị Hồng Hạnh (2018). Biến đổi khí hậu và sinh kế của một số dân tộc thiểu số ở vùng miền núi tây bắc Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã hội.

[2] Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, 2019