Theo kế hoạch, Đoàn sẽ tham gia Hội thảo báo cáo giữa kỳ nghiên cứu xây dựng kế hoạch chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đồng thời gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong đào tạo nghề cho phụ nữ ở một số trường đại học, trường dạy nghề ở Seoul.

Chúng ta cùng theo chân Đoàn công tác để trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn từ đối tác.

1. Ngày 23/11/2015: Lên đường

Ngày 23/11/2015, Đoàn công tác đã bay từ Hà Nội sang Seoul, ổn định chỗ ở và chuẩn bị tinh thần cho các buổi gặp gỡ, trao đổi đoàn với các đối tác.

2. Ngày 24/11/2015 và 25/11/2015: Gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm đào tạo nghề.

Buổi sáng ngày 24/11/2015, Đoàn đến thăm và học tập kinh nghiệm tại Trung tâm phát triển năng lực phụ nữ Bắc Seoul. Trung tâm được chính quyền thành phố Seoul thành lập từ tháng 9 năm 1989 (đến năm 2004, chính quyền chuyển giao quyền điều hành cho Hiệp hội cử nhân nữ Hàn Quốc theo hình thức ủy thác). Hiện nay, Trung tâm có 3 nhóm chương trình chính là đào tạo nghề, hỗ trợ xin việc và khởi nghiệp. Tính đến năm 2014, Trung tâm đã đào tạo 12.196 học viên với khoảng 527 khóa học được tổ chức.

Sau buổi trao đổi, hỏi đáp và thăm quan trực tiếp tại Trung tâm, chúng tôi rất bất ngờ vì Trung tâm được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ tạo điều kiện cho học viên có môi trường thực hành tốt nhất và giúp học viên dễ dàng tìm việc sau đào tạo. Những phòng thực hành nấu ăn, cắt may, sửa chữa quần áo, tạo mẫu tóc, vẽ móng cho đến quán cafe do Trung tâm tự thành lập nên để làm cơ sở cho học viên vừa thực hành, vừa tập khởi nghiệp đã đưa chúng tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Tiếp tục với khí thế tưng bừng được giao lưu, khám phá, buổi chiều ngày 24/11/2015, Đoàn tiếp tục có buổi giao lưu,  học tập kinh nghiệm với Trung tâm phát triển nhân lực nữ Tây Seoul. Mô hình của Trung tâm Tây Seoul cũng tương tự Trung tâm Bắc Seoul với các chương trình đào tạo nghề và hỗ trợ tìm việc làm cho phụ nữ. Chương trình của Trung tâm chủ yếu tập trung vào đối tượng phụ nữ bị gián đoạn công việc sau khi sinh con, giúp họ lấy lại kiến thức, kỹ năng công việc để tham gia lao động. Mặc dù quy mô nhỏ hơn nhưng mỗi năm Trung tâm đào tạo được khoảng 4000 học viên trong đó số xin việc thành công là 1000 người.

 Đoàn làm việc với lãnh đạo TT phát triển nguồn nhân lực nữ Tây Seoul

Đại học Phụ nữ Ewha (Ewha Women University) là địa điểm tiếp theo chúng tôi đến thăm quan, học tập kinh nghiệm. Đây là trường đại học tư thục dành cho nữ giới ở trung tâm Seoul, Hàn Quốc. Là trường đại học lớn nhất ở Seoul và trường học dành cho nữ giới lớn nhất thế giới. Đại học Ehwa cũng là một trong các trường đại học nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc, và nhiều phụ nữ hàng đầu Hàn Quốc đã tốt nghiệp từ đây. Ngày nay, Ewha luôn mong ước được nuôi dưỡng, tạo điều kiện phát triển cho các nhà lãnh đạo nữ trên toàn thế giới bằng việc mang đến những cơ hội, môi trường giáo dục cho phụ nữ trên phạm vi toàn cầu.

Điểm học tập mô hình cuối cùng của chúng tôi là Đại học Korea Polytechnics. Trường được thành lập từ năm 1968 với 34 phân hiệu trên cả nước. Thực hiện chính sách của Chính phủ Hàn Quốc về việc kích thích sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động kinh tế trong đó có chính sách xây dựng trường học thân thiện với phụ nữ, Đại học Korea Polytechnics đã lựa chọn mở thêm 6 lĩnh vực dịch vụ trong quá trình xây dựng trường học thân thiện với phụ nữ, đó là: công nghiệp truyền hình, bảo hộ thông tin, thiết kế, dịch vụ y tế, lĩnh vực về nội dung… Tại đây, Đoàn được đến thăm quan các khoa mới thành lập của trường: khoa nấu ăn, khoa hành chính trong các bệnh viện, khoa truyền thông đa phương tiện, khoa công nghệ thời trang. Số học viên nữ tại các khoa này chiếm tỷ lệ rất cao (từ 40% trở lên). Sau khi tốt nghiệp, nhà trường sẽ kết nối với các doanh nghiệp để tìm việc cho các em.

Đoàn thăm quan, trao đổi, tại Đại học Korea Polytechnics

3. Ngày 26/11/2015: Hội thảo Báo cáo giữa kỳ nghiên cứu xây dựng Kế hoạch chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Đoàn là dự Hội thảo, trao đổi, đánh giá giữa kỳ nghiên cứu xây dựng kế hoạch chiến lực đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao ở miền Bắc Việt Nam. Các chuyên gia được mời vào đoàn chủ trì và thảo luận tại Hội thảo là các Giáo sư, nghiên cứu viên đến từ các trường Đại học danh tiếng của Hàn Quốc và có cả nhà quản lý của Ngân hàng tại Seoul như: bà Jang Hye Yeong, Khoa Chính trị Quốc tế – Đại học Chung Yang; bà Kwon Sunmi, Viện nghiên cứu tuyển dụng lao động – Đại học Giáo dục kỹ thuật Hàn Quốc; bà Na Seon Eun, Viện nghiên cứu phụ nữ Hàn Quốc – Đại học phụ nữ Ewha; ông Kim Bong Shin, Công ty Gallup Hàn Quốc…

Phó Giám đốc Hà Thị Thanh Vân (thứ 3 từ trái sang) tham gia chủ trì Hội thảo tại Đại học Chung Yang

Về phía đoàn công tác của Hội LHPN Phụ nữ Việt Nam, các thành viên tham gia đoàn chủ trì, người chia sẻ, tham luận là: bà Bùi Thị Hòa – Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Hà Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; bà Dương Kim Anh – Trưởng khoa Giới và Phát triển; bà Hoàng Hương Thủy trưởng phòng Hợp tác quốc tế của Học viện cùng sự tham dự đầy đủ của thành viên Đoàn công tác và phía đối tác.

Bà Bùi Thị Hòa – Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tặng quà lưu niệm cho đại diện trường Đại học Chung Ang 

Sau các báo cáo, tham luận của cả hai bên, Đại học Chung Ang và Học viện Phụ nữ Việt Nam đã nhanh chóng tổng kết giữa kỳ nghiên cứu xây dựng Kế hoạch chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, hai bên cùng đưa ra hướng hoạt động tiếp theo của Dự án, tiếp tục mở ra sự hợp tác của các bên, tạo tiền đề cho sự hợp tác mang tính bền vững giữa Đại học Chung Ang và Học viện Phụ nữ Việt Nam.

4. Ngày 27/11/2015: Chia tay Seoul

Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, Đoàn công tác của Hội LHPN Việt Nam đã lên đường về nước kết thúc thành công chuyến công tác tại xứ sở Kim Chi.

Hẹn gặp lại Seoul…