Hội thảo có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, địa phương trên cả nước. Về phía khách mời, hội thảo có sự tham dự của các đại biểu: GS.TS. Võ Khánh Vinh – Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàm lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Thiếu tá, TS. Nguyễn Văn Oanh – Khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân; PGS.TS. Trần Văn Độ – Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương; PGS.TS. Trịnh Tiến Việt – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại Học Quốc Gia Hà Nội; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại diện ban Xã hội của Quốc hội; Đại diện Ban Tuyên giáo trung ương; Đại diện các Ban thuộc TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN thành phố Hà Nội, Hội LHPN tỉnh Sơn La …các cơ quan báo chí, truyền hình.

Về phía Học viện Phụ nữ Việt Nam, hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện; TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện, lãnh đạo các khoa, phòng, Viện, giảng viên, nghiên cứu viên cùng đông đảo sinh viên các ngành học tham gia.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết: ‘Trên thế giới, hàng năm có đến hàng triệu người là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Điều đó khiến cho tội phạm này trở thành vấn nạn nhức nhối toàn cầu chứ không chỉ riêng một quốc gia nào. Mua bán người được coi là một trong các loại tội phạm nghiêm trọng nhất vì nó chà đạp lên nhân phẩm và quyền con người. Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và các nước Tiểu vùng sông Mê-kông nói riêng, trong đó có Việt Nam, hoạt động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Mua bán người được xem như một hình thức buôn bán ‘nô lệ’ thời hiện đại, vi phạm quyền con người, nhân phẩm con người, bị xã hội lên án. Tuy nhiên, bên cạnh các định kiến giới và sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân thì hệ thống chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, công tác đấu tranh phòng chống mua bán người trong mỗi quốc gia, khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu thống nhất nên nạn mua bán người vẫn còn tồn tại và có chiều hướng gia tăng’. 

Theo báo cáo của ban chỉ đạo 130 của chính phủ về công tác phòng chống mua bán người tại Việt Nam, chỉ tính riêng trong 5 năm, 2016 – 2020, toàn quốc phát hiện gần 1.300 vụ mua bán người với gần 3000 đối tượng và hơn 2.900 nạn nhân bị lừa bán trong đó nạn nhân là nữ giới chiếm đa số với 85%. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn hành vi mua bán người nhưng vấn nạn này vẫn đang diễn ra rất phức tạp được kẻ phạm tội thực hiện dưới nhiều hình thứ tinh vi khiến nhiều nạn nhân sập bẫy.

Thực trạng trên đòi hỏi cần có các giải pháp quyết liệt và phù hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Kết quả khảo sát ban đầu năm 2022, Dự án 8 ‘Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em’ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021 – 2025) của Hội LHPN Việt Nam đã chỉ ra rằng, mua bán người là một trong những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS ở các địa bàn dự án cần được quan tâm giải quyết. 

Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thuộc khuôn khổ Dự án 8 nhằm tạo diễn đàn để các các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thảo luận những vấn đề liên quan, đưa ra các khuyến nghị quan trọng, đóng góp cho việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011.

Hội thảo tập trung vào hai phiên chính.

Phiên 1: Lý luận pháp luật và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới.

Phiên 2: Công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam: kinh nghiệm và mô hình thực tiễn.

Sau khi gửi thư mời viết bài đăng kỷ yếu hội thảo từ tháng 4/2023, ban tổ chức đã nhận được 72 bài đăng ký và lựa chọn 33 bài báo khoa học tiêu biểu thông qua quy trình phản biện chặt chẽ, có hàm lượng khoa học cao để xây dựng kỷ yếu Hội thảo. Kỷ yếu đã góp phần làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn liên quan đến quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người ở Việt Nam; việc triển khai, thực hiện công tác phòng, chống mua bán người tại nhiều địa phương trên cả nước. Các bài viết tại hội thảo không chỉ giúp nhận diện, phân tích biểu hiện, xu hướng mới của tội phạm mua bán người mà còn chỉ ra những khó khăn, thách thức của công tác này. Cụ thể, một số bài viết đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người; phân tích sự tương thích, phù hợp giữa pháp luật phòng chống mua bán người của Việt Nam với pháp luật quốc tế. Từ đó đưa ra những khuyến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong phòng, chống mua bán người hiện nay cũng như xu hướng diễn biến trong tương lai. Hội thảo cũng khẳng định sự cần thiết phải duy trì và tăng cường nỗ lực phòng, chống mua bán người, góp phần giải quyết vấn đề cấp thiết ảnh hưởng tới phụ nữ, trẻ em và người dân, thúc đẩy phát triển bền vững. 

Ban Chủ tọa hội thảo

Tại hội thảo, 6 tham luận tiêu biểu được lựa chọn trình bày tập trung vào các vấn đề: Xu hướng mới của tội phạm mua bán người Việt Nam: Những vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống (Thiếu tá, TS. Nguyễn Văn Oanh, Học viện Cảnh sát nhân dân; Trung tá Nguyễn Quang Hiệu – Công an thành phố Móng Cái, Quảng Ninh); Pháp luật về phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người (TS. Cao Tiến Sỹ – Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam); Một số giải pháp phòng ngừa tội mua bán người ở Việt Nam trong tình hình mới (TS. Lưu Hoài Bảo – Khoa Pháp Luật hình sự – Trường Đại học Luật Hà Nội); Kết quả triển khai thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2012-2022 (ThS. Đặng Hương Giang – Phó trưởng Ban Tuyên giáo; ThS. Lê Thị Phúc – Ban Tuyên giáo – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam); Hỗ trợ nạn nhân buôn bán người, một số kinh nghiệm từ dự án can thiệp cấp cộng đồng của Hagar International (PGS. TS. Nguyễn Thị Như Trang – Khoa Xã hội học – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn); Phòng, chống mua bán người tại châu Phi và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (ThS. Hồ Diệu Huyền – Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). 

Các tác giả bài viết tiêu biểu trình bày tham luận tại hội thảo

Mỗi tham luận đã đóng góp một góc nhìn, hướng tiếp cận nghiên cứu riêng bao hàm thực tiễn phong phú với những phát hiện cụ thể về thực trạng đối với chủ đề của hội thảo. Các đại biểu tham dự hội thảo đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đầy hứng thú với chủ đề: ‘Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới’ thông qua những ý kiến đóng góp, chia sẻ, trao đổi thiết thực, hữu ích.

Kết quả hội thảo chính là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, pháp luật, các cơ quan chức năng và các bên liên quan trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người ở Việt Nam hiện nay.

Link thông tin các đơn vị báo chí đưa tin về hội thảo:

Báo Tiền phong:

https://tamviet.tienphong.vn/post-1572886.tpo

Báo Giáo dục và Thời đại

https://giaoducthoidai.vn/nan-nhan-cua-mua-ban-nguoi-chu-yeu-la-nu-va-duoi-16-tuoi-post655614.html

Báo Nhân dân

https://nhandan.vn/tim-giai-phap-phong-chong-hieu-qua-mua-ban-nguoi-trong-tinh-hinh-moi-post774626.html

Báo Phụ nữ Thủ đô

https://baophunuthudo.vn/content/MTEzNjcz.html

Báo Phụ nữ Việt Nam

https://phunuvietnam.vn/dien-dan-de-chia-se-kinh-nghiem-phong-chong-mua-ban-nguoi-trong-tinh-hinh-moi-2023092712380509.htm

Báo Lao động

https://laodong.vn/phap-luat/gan-98-nan-nhan-cua-nan-mua-ban-nguoi-la-duoi-16-tuoi-1247159.ldo?gidzl=7YoK9HlqCGGNCf4b6kyu2namdoW3wZm9LcR9BWU_FGWAP9Gj3hHWMrWvadjSu6SEKJ_FA68qw94N6_Km0m

Báo Vietnamnet:

https://vietnamnet.vn/phong-chong-buon-ban-nguoi-khong-xu-ly-nan-nhan-2195067.html

(Còn tiếp)