Young adult fiction, gọi tắt là YA, là tiểu thuyết dành cho độc giả thanh thiếu niên thường từ 12 đến 18 tuổi (lứa tuổi teen). Với những ai chưa đủ lớn nhưng đã quá tuổi đọc sách thiếu nhi thì tiểu thuyết YA là một lựa chọn hoàn hảo.
Cốt truyện đơn giản, gần gũi với độc giả trẻ
Một trong những cuốn sách YA đầu tiên mà độc giả Việt đọc có lẽ là bộ sách Nhật ký công chúa của tác giả Meg Cabot. Bộ sách kể về cô nàng Mia Thermopolis, 14 tuổi, vốn là một nữ sinh trung học bình thường và thậm chí còn có chút lập dị, nhưng thế giới của cô bỗng chốc bị đảo lộn khi cô nàng được tiết lộ là con của một vị hoàng tử của đất nước Genovia và cô là người thừa kế duy nhất.
Mọi tâm tư tuổi mới lớn, và những sự thay đổi đột ngột này đều được Mia ghi lại trong cuốn nhật ký cô luôn mang theo bên mình. Chính những suy nghĩ gần gũi, chân thực và và đầy hài hước của Mia về thế giới đã chinh phục hàng triệu độc giả trẻ, nhất là độc giả nữ trên khắp thế giới và đưa tên tuổi Meg Cabot lên một tầm cao mới.
Sau sự thành công của Nhật ký công chúa, Cabot còn viết nhiều cuốn sách tuổi teen khác và đã được dịch ở Việt Nam như Làm thế nào để tỏa sáng, Thần tượng teen, Tiền chuộc trái tim, Airhead... tất cả đều trở thành hiện tượng toàn cầu.
|
Bộ sách Nhật ký công chúa của Meg Cabot từng làm mưa làm gió trong văn học tuổi teen. Ảnh: Winny Win Winny. |
Có thể thấy được điểm chung ở các cuốn sách YA là cốt truyện đơn giản, xoay quanh các học sinh cấp 2 và trung học (thường là các nữ sinh), mối quan hệ với gia đình, bạn bè, về những rắc rối của tuổi mới lớn và đặc biệt là thường có các yếu tố đáng yêu, lãng mạn. Với Nhật ký công chúa thì đó là tình cảm thầm thương trộm nhớ mà Mia dành cho anh trai của bạn thân, cũng như sự cảm nắng nhất thời với các chàng hoàng tử các nước mà cô gặp gỡ.
Khi lỗi thuộc về các vì sao của John Green là về câu chuyện tình của Augustus và Hazel khi cả hai người cùng mắc những căn bệnh quái ác. Bên kia đường có đứa dở hơi của Wendelin Van Draanen kể về quá trình lớn lên và thay đổi tình cảm của hai đứa trẻ Julie và Bryce sống ở đối diện nhà nhau, từ yêu chuyển sang ghét và ngược lại. Mặt trời cũng là một vì sao của Nicola Yoon kể về Natasha và Daniel gặp nhau trong ngày cuối cùng cô gái được ở lại nước Mỹ và họ chạy đua với thời gian để được ở bên nhau lâu nhất có thể.
Với mục đích truyền tải những thông điệp tích cực đến cho thế hệ trẻ, các cuốn tiểu thuyết YA thường mang kết thúc có hậu, hoặc những cách giải quyết hợp lý để người trẻ có thể tiếp tục tin tưởng vào tương lai tươi đẹp phía trước, nỗ lực hết mình để sống và để yêu.
Hiệu ứng phim chuyển thể
Một điểm nữa khiến các tiểu thuyết YA trở nên phổ biến rộng khắp là nhờ những bộ phim chuyển thể. Với cốt truyện dễ hiểu, dàn nhân vật còn trẻ và được phép vấp ngã trước khi trưởng thành, các nhà làm phim dễ dàng đưa các cuốn sách lên màn ảnh rộng và thu hút được sự quan tâm của khán giả thanh thiếu niên.
Tháng 8/2018, bộ phim tình cảm tuổi mới lớn To All the Boys I’ve Loved Before trình chiếu trên nền tảng Netflix đã mang một làn sóng tươi mới cho những khán giả đang tìm kiếm một câu chuyện tình nhẹ nhàng nhưng đầy ngọt ngào và lãng mạn. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết YA cùng tên của tác giả Jenny Han, đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề Những chàng trai năm ấy, kể về chuyện tình giả rồi dần biến thành thật của cặp đôi gà bông Lara Jean và Peter. Dù mang cốt truyện không mới, nhưng với những tình tiết đáng yêu và tinh tế, bộ phim vẫn được đánh giá là phù hợp với thế hệ trẻ hiện đại, năng động và sôi nổi. Cũng nhờ vậy mà bộ tiểu thuyết của Jenny Han trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết.
Nhiều tác phẩm YA khác cũng được chuyển thể thành phim và rất được yêu thích không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, có thể kể đến The Perks of Being a Wallflower (tựa sách Việt: Điệu vũ bên lề) của Stephen Chbosky, Thương mến, Simon của Becky Albertalli, 13 lý do tại sao của Jay Asher, Mặt trời cũng là một vì sao và Everything, Everything (tựa sách Việt: Nếu còn một ngày để sống) của Nicola Yoon…
John Green, nhà văn Mỹ chuyên viết cho độc giả trẻ cũng có đến ba cuốn sách được dựng thành phim là Khi lỗi thuộc về các vì sao, Những thành phố giấy và Đi tìm Alaska. Quay trở lại thời Nhật ký công chúa của Meg Cabot thì hai bộ phim chuyển thể với sự tham gia của Anne Hathaway và Julie Andrews cũng khiến người hâm mộ nức lòng và ngóng chờ các phần phim tiếp theo suốt hơn 15 năm qua.
Sự chuyển hướng mới lạ của YA
Là một thể loại dễ đọc và cũng dễ viết, tiểu thuyết YA đang dần trở nên bão hòa trong thị trường xuất bản nói chung. Nếu các tác giả không tìm được dấu ấn riêng trong cuốn sách thì sẽ rất khó để vượt qua được tên tuổi đình đám trước đó.
Chính vì vậy mà nhiều nhà văn ngay từ đầu đã chuyển hướng YA sang những chủ đề mới, kết hợp với các yếu tố giả tưởng huyền bí, trinh thám giật gân, hành động kịch tính. Họ sẽ khéo léo lồng ghép những câu chuyện tình yêu hoặc rắc rối của tuổi mới lớn vào một không gian mới, có thể phải chiến đấu với ma quỷ, phù thủy, người ngoài hành tinh… để bảo vệ những điều mà người trẻ trân trọng.
Những tác phẩm thành công với sự chuyển hướng này có thể kể tới như Coraline của Neil Gaiman, bộ sách Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine của Ransom Riggs, bộ Đấu trường sinh tử của Suzanne Collins hay bộ Vũ khí bóng đêm của Cassandra Clare…
Ở Việt Nam, một trong những người đầu tiên thử sức với dòng tiểu thuyết YA với các yếu tố kỳ ảo chính là tác giả Phan Hồn Nhiên với một loạt những cuốn sách văn học teen như Những đôi mắt lạnh, Chuỗi hạt Azoth, Xuyên thấm, Máu hiếm và Luật chơi. Bằng cách lồng ghép trong những bí ẩn đầy ma mị thông qua chuỗi hạt, chiếc nhẫn hay những trò chơi truyền hình thực tế, tác giả muốn gửi gắm đến độc giả những triết lý nhân văn cho những người trẻ đang chuẩn bị bước vào cuộc sống.
Dù là chủ đề lãng mạn hay giả tưởng, những cuốn sách YA cũng đều góp phần truyền tải tiếng nói của những thanh thiếu niên đến với người lớn, rằng chúng tôi đang ở đây, vẫn đang cố gắng từng ngày, vật lộn với mọi rắc rối để sống, để yêu thương và để trưởng thành
.